Nguồn: Hoàng Thùy - CafeBiz https://cafebiz.vn/wonder-woman-thuy-my-tai-nu-viet-tro-thanh-ceo-dong-so-huu-quy-dau-tu-my-cuoc-song-giong-nhu-bong-da-ban-cang-bi-phot-lo-cang-co-nhieu-co-hoi-sut-bong-va-lap-ki-tich-2021101922200251.chn
9 giờ sáng, tôi có hẹn với chị Võ Vũ Thùy My (Maggie Vo) qua Zoom. Bên kia bán cầu, tại Miami (Mỹ) đang là 10 giờ tối. Một tiếng trước đó, chị My vừa mới trở về nhà sau ngày dài làm việc tại quỹ Fuel Venture Capital. Dù khó che giấu nổi sự mệt mỏi cuối ngày nhưng khi nói về công việc và gia đình, gương mặt ấy nhanh chóng tươi tỉnh trở lại.
Chị My khiến tôi liên tưởng đến biểu tượng "Wonder Woman" trên màn ảnh - người phụ nữ vẹn toàn, vừa sở hữu nhan sắc xinh đẹp lại thông minh, mạnh mẽ. Với hành trình đáng ngưỡng mộ đến khó tin trên đất Mỹ, không ngoa nếu nói chị đích thị là một nữ chiến binh ngoài đời thực.
Thùy My có một thời niên thiếu sôi nổi tại Việt Nam, là thành viên của nhóm nhạc tuổi teen Tymyty (gồm Thùy My, Nguyệt Anh, Thu Hà và Thùy Lâm - Hoa hậu hoàn vũ Việt nam 2008), thường xuyên đi hát, quay video ca nhạc, phỏng vấn ở khắp nơi. Tuy nhiên thay vì theo nghiệp ca sĩ, My sang Mỹ du học năm 17 tuổi, bắt đầu một hành trình mới với môi trường, cuộc sống mới, ngành nghề mới. Chị bén duyên với lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và quỹ Fuel Venture Capital. Khởi đầu là chuyên viên phân tích, chỉ sau 4 năm, chị được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành và đồng sở hữu quỹ.
* Cảm ơn chị đã dành thời gian! Tình hình dịch Covid-19 ở Miami hiện thế nào? Đại dịch có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của quỹ không, thưa chị?
Tình hình dịch Covid-19 ở Miami đã ổn từ khá lâu, cuộc sống cũng trở lại bình thường. Tuy nhiên khi dịch mới bắt đầu bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020, mọi người đều rất hoang mang. Thời điểm ấy, quỹ lớn và lâu đời như Sequoia đã gửi một bức thư đến giới startup, cảnh báo về một sự kiện "black swan" - thiên nga đen.
Tại Fuel Venture Capital, chúng tôi nhanh chóng liên hệ với các nhà sáng lập trong danh mục của mình, cùng trò chuyện hỗ trợ về mặt tinh thần và giúp họ định hình được sức ảnh hưởng của Covid-19 lên doanh nghiệp của mình, rồi lên kế hoạch ngắn và dài hạn để đối phó. Như chúng ta đã biết, một số mô hình kinh doanh hưởng lợi nhờ Covid và tăng trưởng hàng trăm phần trăm, nhưng một số thì không. Do đó các nhà khởi nghiệp phải lập ra nhiều chiến lược khác nhau, người thì gọi vốn tận dụng thời cơ, người thì tiết giảm chi phí không cần thiết để tồn tại. Vì danh mục đầu tư của Fuel Venture Capital rất đa dạng về lĩnh vực, từ fintech, big data, robotics đến AR/VR,… nên nhìn chung, quỹ không bị ảnh hưởng nhiều.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian trầm lắng trong đại dịch cũng là lúc để startup lùi lại một chút, tập suy nghĩ ra khỏi những khuôn khổ bình thường, lấy đà cho bước phục hồi sau dịch. Covid còn như một bài kiểm tra cho các nhà sáng lập. Để là một nhà khởi nghiệp giỏi thì bạn cần biết điều hành công ty trong cả thời kỳ thuận lợi lẫn khó khăn, và nếu biết nắm bắt cơ hội thì ngay cả khi trong giai đoạn khủng hoảng nhất, bạn vẫn có thể xoay chiều gió, giúp con tàu đi nhanh và xa hơn.
* Các tiêu chí chị dùng để đánh giá startup có thay đổi nhiều so với trước khi Covid-19 xuất hiện không?
Các thước đo mà tôi dùng để đánh giá startups, nhà khởi nghiệp hay thị trường, mô hình kinh doanh không thay đổi nhiều. Thậm chí, sau khi đi qua một cuộc khủng hoảng như vậy, tôi thấy rõ hơn sự cần thiết của những tiêu chí mà mình đã đặt ra từ xưa.
Ví dụ, tôi luôn muốn mô hình kinh doanh của công ty có thể mở rộng, tăng trưởng nhanh khi nền kinh tế tốt và cũng có thể chậm lại, cắt giảm chi phí một cách dễ dàng khi kinh tế chuyển biến xấu.
Có 2 thuật ngữ "asset heavy" (sở hữu nhiều tài sản) và "asset light" (sở hữu ít tài sản). Tôi thích mô hình "asset light" nhiều hơn vì tính linh hoạt, đáp ứng với mọi hoàn cảnh kinh tế. Khi đầu tư vào những công ty có "asset heavy" thì nhà khởi nghiệp cần phải giải quyết bài toán vốn hoá vì công ty cần rất nhiều chi phí trả trước để có thể thể bắt đầu kiếm doanh thu và tăng trưởng. Nhưng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, điều đó có thể rất nan giải.
Hãy làm một so sánh đơn giản giữa chuỗi khách sạn và mô hình Airbnb. Nếu nền kinh tế xấu đi thì cho dù khách sạn đóng cửa, chi phí cố định vẫn rất lớn. Nếu nền kinh tế tốt và chủ khách sạn muốn mở rộng, thì họ cần gọi rất nhiều vốn để xây dựng khách sạn, mua vật dụng, thuê nhân công. Còn với Airbnb, việc mở rộng và cắt giảm dễ hơn vì không có nhiều chi phí cố định, công ty có thể thuê ít nhân viên bán hàng, bớt chi phí tiếp thị, xây dựng mô hình tinh gọn và cố gắng hết sức để sinh tồn, sống sót qua giai đoạn khủng hoảng.
* Ngoài OhmniLabs của anh Vũ Duy Thức, chị có gặp nhiều startups của người Việt tại Mỹ không?
Nếu ở Silicon Valley, có lẽ tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà khởi nghiệp người Việt hơn. Còn Miami - nơi mà tôi đang sống và làm việc thì nằm phía trên Nam Mỹ, gần châu Âu hơn thay vì châu Á. Vì thế mà tôi kết nối với nhiều nhà khởi nghiệp ở Nam Mỹ và châu Âu hơn.
Đây cũng là lý do mà trong 1 năm qua, tôi nhận lời phỏng vấn rất nhiều báo ở Việt Nam. Một phần vì tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân để truyền cảm hứng, động lực cho các bạn trẻ muốn đi ra biển lớn trải nghiệm, phần lớn hơn là muốn tạo tên tuổi để các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam biết về mình và có thể liên hệ, kết nối.
* Việt Nam có rất nhiều nhà khởi nghiệp tài năng nhưng tại sao chưa có có nhiều “kỳ lân”, vươn tầm khu vực và thế giới?
Để làm một kỳ lân, mình cứ làm bài toán đơn giản, doanh thu của startup ước chừng phải đạt gần một trăm triệu đô la. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường kinh doanh của họ phải tầm cỡ và có sức tiêu thụ lớn như Mỹ, Trung Quốc, hay khối châu Âu, Nam Mỹ.
Vấn đề của startup Việt là họ làm rất tốt ở thị trường Việt Nam nhưng chỉ gói gọn trong Việt Nam thôi. Và nhà đầu tư sẽ thắc mắc rằng để tăng trưởng mạnh hơn nữa, liệu công ty có thể làm tốt như vậy ở Thái Lan, Indonesia,... hay không? Cách giúp bạn thành công ở Việt Nam không đảm bảo cho việc sẽ thành công ở nước khác, mà nếu chỉ ở trong nước thì thị trường quá nhỏ, khó mà đạt doanh thu trăm triệu đô. Do đó, muốn lớn thành kỳ lân thì startup không chỉ cần làm tốt ở Việt Nam mà còn ở 2-3 thị trường khác nữa ở Đông Nam Á.
Điều này rất tương đồng với những gì đang xảy ra ở Nam Mỹ. Nếu startup chiếm lĩnh được thị trường Brazil - thị trường lớn nhất khu vực, hay Mexico thì công ty có thể gọi vốn dễ dàng hơn và được định giá cao hơn. Nhưng nếu công ty chỉ hoạt động ở Guatemala - một đất nước nhỏ trong cả khu vực rộng lớn thì khó có thể chạm tới được mức vốn hoá tỷ đô.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc startup nên khởi sự ở nước ngoài trước. Nhà khởi nghiệp nên bắt đầu ở nơi nào họ có nhiều lợi thế nhất. Nơi nào mà nhà sáng lập có nhiều mối quan hệ nhất, có thể tìm kiếm nhiều người tài, có những nhà đầu tư thiên thần giúp họ lấy được hợp đồng đầu tiên thì chính là nơi bắt đầu. Càng hiểu biết về thị trường và văn hoá thì khả năng thành công càng cao. Sau đó mới tính tiếp đến giai đoạn tăng trưởng, mở rộng.
* SPAC (Specified Purpose Acquisition Company - Công ty mua lại với mục đích đặc biệt) hiện là cụm từ rất được quan tâm tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp như VinFast, Tiki, VNG, Bamboo Airways,... đều đã hoặc đang có kế hoạch niêm yết tại Mỹ theo con đường SPAC. Theo chị, niêm yết qua SPAC có thực sự khả thi với doanh nghiệp Việt?
Trong vòng 2 năm qua, SPAC trở nên phổ biến hơn vì nhiều lí do khác nhau và mang lại lợi ích khác nhau cho cả công ty startup, nhà đầu tư và nhà tài trợ (sponsor). Về mặt vĩ mô, dịch Covid-19 là một trong những yếu tố tạo nên điều đó. Hoạt động niêm yết qua SPAC cũng sôi động hơn vào 2009, khi nền kinh tế gặp khủng hoảng. Cứ khi nào thị trường bất ổn thì mọi người lại tìm nhiều cách huy động vốn và thoái vốn khác nhau.
Tôi và những cộng sự gần đây đã thành lập SPAC và niêm yết trên Nasdaq vì chúng tôi cảm thấy SPAC rất hữu ích. Nó giúp những công ty công nghệ khởi nghiệp đi từ thị trường tư nhân ra thị trường đại chúng nhanh chóng và dễ dàng hơn, với mức giá được xác định trước và không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của thị trường.
Tuy nhiên, bước vào thị trường niêm yết giống như đi ra công chúng vậy. Công ty cần phải đảm bảo mình đã sẵn sàng về mọi mặt từ đội ngũ lãnh đạo, quy trình quản trị doanh nghiệp, đến báo cái tài chính. Chưa kể thị trường Mỹ có những tiêu chuẩn về kế toán, tài chính nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với Việt Nam. Vì vậy, các công ty của Việt Nam phải ở vị thế sẵn sàng để trở thành và vận hành một doanh nghiệp đại chúng tại Mỹ.
Thứ hai là yếu tố thương hiệu. Những công ty ở Mỹ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng thường đã được biết đến nhiều khi còn ở thị trường tư nhân và đặc biệt là nếu sản phẩm của họ dành cho người tiêu dùng Mỹ thì tên tuổi của họ đã được xây dựng từ sớm, ví dụ như Uber, Spotify. Do đó khi họ quyết định IPO, sẽ có nhiều chuyên viên phân tích từ nhiều ngân hàng đầu tư viết và theo dõi về họ, từ đó nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng chờ đón mua cổ phiếu công ty của họ.
Tại Đông Nam Á, Grab phủ sóng trên toàn khu vực và mô hình kinh doanh giống với Uber. Grab có lợi thế vì được nhiều nhà đầu tư biết đến và xem đó là cơ hội đầu tư vào những nền kinh tế trẻ. Doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch SPAC ở Mỹ cần chú trọng yếu tố nâng cao thương hiệu của mình ở thị trường ngoại, đồng thời tìm cách niêm yết ở cả thị trường Việt Nam để có thể tăng tính thanh khoản.
Hiện tại, dù có SPAC riêng, trong quá trình chúng tôi lựa chọn công ty để sáp nhập lên sàn, nếu thấy công ty ấy chưa sẵn sàng thì chúng tôi vẫn khuyên họ hãy cứ ở thị trường tư nhân. Bởi khi ra đến thị trường niêm yết, khả năng kiểm soát công ty không còn 100% là của mình.
* Chị nói SPAC rất phù hợp với công ty công nghệ. Vậy những doanh nghiệp làm trong ngành truyền thống, ví dụ như hàng không sẽ khó thành công?
Tôi nghĩ rằng lĩnh vực nào cũng có thể. Nhưng với vị thế là một SPAC sponsor, khi lựa chọn một doanh nghiệp để sáp nhập và niêm yết thì chúng tôi muốn nhìn thấy công ty đó còn nhiều cơ hội tăng trưởng hữu cơ (thay vì phải đi mua lại những công ty khác để nâng doanh thu) và những cơ hội đó cần mang tính toàn cầu. Nhưng chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn tính hiệu quả của chi phí bỏ ra để đổi lấy tăng trưởng. Các công ty công nghệ thường có mô hình kinh doanh dễ tăng trưởng nhanh mà không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực do đó phù hợp với hai tiêu chí đó của chúng tôi.
Chúng tôi tránh những công ty chưa hoàn thành sản phẩm, hay chưa có doanh thu. Còn những doanh nghiệp làm trong ngành truyền thống như hàng không, bởi vì mô hình kinh doanh đòi hỏi nhiều nguồn vốn trả trước để mua máy bay, có sự phức tạp nhất định trong quản lí và vận hành, và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, chúng tôi thường thận trọng hơn khi xem xét và đánh giá cho SPAC.
* Công việc bận rộn và căng thẳng như vậy, chị sắp xếp thời gian cho con cái và gia đình thế nào?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sang Mỹ năm 17 tuổi nên thực ra, nền văn hoá Việt Nam đã thấm vào trong con người mình. Mà với nền văn hoá Việt Nam, dù ban ngày ra ngoài tạo dựng sự nghiệp, giữ chức vụ nhất định và đưa ra những quyết định rất lớn thì đến cuối ngày, khi trở về nhà, mình cũng vẫn là một người vợ, một người mẹ.
Tôi rất thân với mẹ, dù đi học nước ngoài thì hai mẹ con vẫn tâm tình như những người bạn. Và tôi cũng muốn làm điều đó với con gái mình. Tôi không muốn con phải nói chuyện với mình vì mình là mẹ, mà vì con tìm thấy một sự cảm thông, một mối quan hệ gắn kết. Và để có một mối quan hệ như thế, nó phải được vun đắp trong suốt quá trình dài. Chúng ta không thể vì quá đam mê công việc mà không dành thời gian cho con trong những năm đầu, rồi khi sự nghiệp ổn định mới quay trở lại bù đắp, xây dựng tình cảm với con. Cuộc sống không vận hành như vậy.
Do đó, khi tôi bắt đầu nhận công việc tại Fuel Venture Capital, em bé mới 2 tuổi nên tôi xin được làm việc tại nhà. Đương nhiên, để được làm việc ở nhà thì có những yếu tố khác tôi sẽ không đòi hỏi nhiều và phải bù đắp bằng việc làm gấp đôi người khác để chứng tỏ bản thân. Cân bằng giữa công việc và gia đình là việc tôi làm hằng ngày và trong từng suy nghĩ.
Tôi dần chiêm nghiệm được khái niệm sức mạnh của những khoảnh khắc. Tôi và ông xã dành đặc biệt ngày thứ bảy cho bé và khi chơi với bé, chúng tôi cố gắng không check email, hay trả lời tin nhắn,... chỉ tập trung hoàn toàn vào bé thôi. Chúng tôi làm cho những khoảng thời gian đó trở nên đặc biệt và đáng nhớ. Do đó đến thứ bảy nào bé cũng vô cùng háo hức và mong chờ vì được đi chơi, đi thư viện, đi mua sắm cùng ba mẹ. Những thời điểm quan trọng, lúc nào tôi cũng cố gắng sắp xếp ở bên con, để khi nào bận và không thể ở cùng bé thì bé hiểu rằng tôi phải đi làm, công việc đó cần mẹ.
Đặc biệt, dù mới 5 tuổi nhưng bé rất thích thú khi thấy mẹ được lên báo. Mỗi lần lên mặt bìa báo Mỹ hoặc được phỏng vấn, tôi đều về khoe với con và bé rất tự hào. Tôi muốn bé nhìn thấy gương của mẹ để hiểu được việc là một người phụ nữ hay người thiểu số không phải rào cản cho sự thành công ở Mỹ, chỉ cần mình muốn, mình sẽ làm được.
* Để vừa cân bằng công việc và cuộc sống như vậy không hề dễ, nhưng tôi thấy lúc nào trông chị cũng tràn đầy năng lượng. Có khi nào chị bị stress không?
Trong 4 năm qua, tôi chỉ có làm việc, về chăm sóc gia đình rồi lại làm việc, chăm sóc gia đình. Nên nhiều người nhìn thấy tôi tươi tắn, tràn đầy năng lượng và mong muốn có cuộc sống như vậy nhưng tôi bảo: "Bạn đã suy nghĩ kỹ chưa?" (cười!!!).
Nhưng có một điều, lúc nào tôi cũng khuyên mọi người rằng hãy tìm kiếm việc gì đó mà bạn vừa giỏi, vừa yêu thích. Hai yếu tố đó tương tác và hỗ trợ nhau giúp bạn có nguồn năng lượng vô hạn để vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Khi bạn làm những việc bạn thích thì nó không còn là công việc nữa. Và khi bạn làm những việc bạn giỏi thì cũng dễ dàng hơn và giúp bạn hào hứng hơn.
Quan trọng hơn hết, tôi luôn tìm đến gia đình như một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Công việc của tôi khá căng thẳng nhưng khi về đến nhà, nhìn con cái và gia đình, tôi cảm thấy bao nhiêu căng thẳng đều tan biến, vì hạnh phúc chính là đây.
Đương nhiên khi lên báo, bạn có thể thấy tôi luôn tươi cười và tràn đầy năng lượng nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng vậy, không phải lúc nào cũng là một đường thẳng đi lên. Tuy nhiên tôi học cách trân trọng những gì mình đang có và luôn nhìn nhận mọi việc một cách tích cực vì 95% mọi thứ trong cuộc sống này xảy ra với bạn là tuỳ thuộc vào cách bạn đón nhận nó. Nếu bạn coi sự khó khăn là một thử thách, bạn sẽ tìm cách vượt qua nó thay vì để nó kìm chân bạn.
* Chị đã có rất nhiều trải nghiệm khiến người khác phải ngưỡng mộ như rung chuông trên sàn Nasdaq, hình ảnh xuất hiện trên quảng trường thời đại, lên trang bìa nhiều báo Mỹ,... Đâu là dấu mốc khiến chị tự hào và nhớ nhất?
Sự kiện mà tôi thấy tự hào và đáng nhớ nhất là khi được công nhận trở thành Managing General Partner (Tổng giám đốc điều hành và đồng sở hữu quỹ) của Fuel Venture Capital. Và tôi đã làm điều đó trong vòng 4 năm, từ ngày tôi gia nhập công ty ở cương vị chỉ là một chuyên viên phân tích. Tôi là người trẻ nhất và cũng là người phụ nữ duy nhất được đảm nhiệm vị trí này ở Fuel VC. Điều này là cực kì hiếm hoi vì ngành đầu tư mạo hiểm là lĩnh vực phần lớn do nam giới Mỹ thống trị và có tới 2/3 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ không có người điều hành và đồng sở hữu là phụ nữ.
Nhiều người thích làm cho công ty tên tuổi hay quỹ lớn, tôi thì hay lựa chọn những quỹ đầu tư mới thành lập vì cũng giống như startup, nếu tham gia vào "early stage" (giai đoạn sơ khởi), bạn có rất nhiều cơ hội để đóng góp giá trị cho công ty. Và nếu thực sự đam mê, thực sự thể hiện được rằng mình có khả năng thay đổi bộ mặt của công ty thì bạn sẽ được công nhận. Tôi đã làm được việc đó.
* Quả thật không có nhiều nữ giới làm lãnh đạo trong mảng đầu tư mạo hiểm. Làm thế nào để một người phụ nữ Á châu như chị xoá bỏ những rào cản, bất lợi khi làm việc?
Nhiều người phụ nữ cảm thấy không đủ tự tin để nêu quan điểm riêng và khác biệt của mình trước đám đông nam giới hoặc thường tủi thân vì bị phớt lờ. Nhưng đó không phải là điều khiến tôi cảm thấy nhụt chí mà ngược lại, tôi nhận thấy 2 điều:
Thứ nhất, khi bạn khác biệt vì là phụ nữ và còn là người châu Á thì những ý kiến bạn đưa ra rất mới mẻ, và càng dễ nổi trội hơn khi những người chung quanh bạn đều nhìn nhận vấn đề rất giống nhau do cùng giới tính và văn hoá .
Điều thứ hai mà tôi hay nói với các bạn trẻ, rằng không được chú ý lại là một lợi thế. Bạn nghĩ xem, nếu đi đến đâu cũng được chú ý nhiều quá, mà bản thân lúc đó lại chưa ở vị trí nhất định, chưa đủ "chín" thì bạn đâu còn thời gian để làm nhiều việc và tạo ra những thành tích vượt bậc. Giống như bóng đá vậy, nếu bạn là cầu thủ giỏi thì lúc nào cũng bị đối thủ theo sát để tránh gây nguy hiểm đến khung thành của họ. Còn nếu bạn là một người ẩn hình thì đối thủ lại xem thường, bạn càng có nhiều cơ hội sút bóng vì không bị ai kèm cặp.
Trong giai đoạn gần đây, tôi tham gia rất tích cực những chương trình ủng hộ những nhà khởi nghiệp nữ. Trong giới khởi nghiệp, nhiều nhà đầu tư thường có định kiến về nữ giới, rằng họ vướng bận nhiều việc gia đình, nên không thể chuyên tâm vào việc khởi nghiệp - một quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian công sức. Nhưng tôi lại nhìn nhận chuyện này theo cách hoàn toàn khác. Phụ nữ bận rộn, có nhiều mối bận tâm nhưng chính vì thế mà họ đa nhiệm, biết cách sắp xếp, giải quyết các vấn đề cùng lúc và hiệu quả nhất.
Một sự việc mang lợi thế hay bất lợi là tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn. Đó cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ đến phụ nữ Việt nhân ngày 20/10. Vì một số lý do nào đó mà từ xưa, xã hội đã coi phụ nữ yếu thế hơn hoặc bị phân biệt đối xử nhưng đôi khi đó chỉ là suy nghĩ mình tự tạo ra. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, điều quan trọng nằm ở chỗ bạn biết mình thích gì, giỏi gì và biết cách tận dụng điểm mạnh đó thay vì chỉ nghĩ đến những điểm yếu của bản thân.
* Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét